“Hậu phương vững chắc” của các quân nhân
VHO- “Một nửa” của các quân nhân không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là điểm tựa, là trụ cột để các anh yên tâm công tác. Dù đây đó vẫn có lời dèm pha nhưng các chị vẫn một lòng thương yêu, chung thủy và tin tưởng ở chồng.
Niềm hạnh phúc của một gia đình quân nhân tại Gala “Hạt mầm khát vọng”
Thượng úy Sùng A Dình (sinh năm 1988, công tác tại Đồn biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) và vợ là chị Hờ Thị Vá (sinh năm 1992, bản Nậm San, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đều là người dân tộc Mông. Họ kết hôn đến nay đã 8 năm nhưng chưa một lần được đón con yêu. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Sùng A Dình cho biết, lấy nhau năm 2014 thì anh được điều động sang công tác ở nước bạn Lào, rồi đến các điểm bản xa, 2-3 tháng mới về thăm nhà một lần, ít có thời gian ở bên nhau nên anh nghĩ chưa có con là do hoàn cảnh công tác.
Nhưng sau khi anh được chuyển về công tác tại tỉnh Điện Biên vào năm 2016 thì việc có con cũng không tiến triển. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân phần lớn là do chồng nên anh càng cố gắng bù đắp tình thương yêu cho vợ. Đến năm 2017, hai vợ chồng vay ngân hàng 200 triệu đồng để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, mỗi tháng một lần anh chị vượt hơn 800 cây số về Hà Nội điều trị. Tuy nhiên, may mắn chưa mỉm cười với anh Dình và chị Vá, kết quả thụ tinh không thành công, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc và cùng tiếp tục cố gắng. “Tôi rất thương vợ, gia đình tôi lại không hiểu nên hay nói những lời khiến cô ấy bị tổn thương. Tôi buồn vì con cái không có, sắp tới lại phải trả nợ lớn mà không được động viên”, anh Sùng A Dình chia sẻ.
Chị Hờ Thị Vá có gương mặt xinh xắn, phúc hậu, hiền lành như giọng nói và quan điểm của chị. Chị cho biết, lúc cả hai mới tìm hiểu, chị đang là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Mộc Châu (Sơn La), còn anh đã là bộ đội có gương mặt “đen xì xì” nên chị không ấn tượng lắm. Rồi chẳng biết thế nào mà anh làm chị “đổ” đến mức khăn gói từ Sơn La theo anh về Điện Biên, nơi anh đóng quân tại Đồn biên phòng Leng Su Sìn, cực Tây biên giới Tổ quốc. Anh công tác xa nhà, chị ở nhà thay anh làm mọi việc, nhưng cũng không tránh khỏi những lời đàm tiếu, dị nghị của nhà chồng rằng “làm vợ mà không biết đẻ”.
Thượng úy Dình thường động viên chị Vá là vợ chồng đến với nhau là vì tình cảm chứ không phải vì mục đích khác. Nhưng đôi lúc anh cũng nghĩ, nếu vợ lấy chồng khác thì sẽ đỡ thiệt thòi cho cô ấy. Chị Vá không chịu và động viên chồng, việc chưa có con là điều không ai muốn, chồng đã như thế mà bỏ nhau thì anh buồn lắm và chính chị cũng không muốn điều đó.
Cũng như hoàn cảnh của anh Dình và chị Vá, vợ chồng quân nhân Phan Tuấn Anh (sinh năm 1995, Tổng Cục kỹ thuật tỉnh Hoà Bình) và Đỗ Thị Lan (sinh năm 1997) lấy nhau hơn 4 năm nhưng chưa có con. Hai vợ chồng cũng trải qua hành trình tìm thầy, tìm thuốc nhưng chưa có kết quả. Nguyên nhân xuất phát từ anh nên nhiều khi anh tự ti, mặc cảm, thậm chí dù rất yêu vợ nhưng anh cũng nghĩ đến chuyện chia tay để chị tìm hạnh phúc mới. Trong khi đó, chị Lan là giáo viên mầm non, hằng ngày tiếp xúc với trẻ thơ nên rất hay tủi thân. Dù vậy, chị luôn hy vọng và tin rằng một ngày nào đó, hai vợ chồng sẽ có những đứa con xinh xắn. “Em cũng yếu đuối như nhiều cô gái khác nhưng khi chồng buồn thì em không thể gục ngã được, phải mạnh mẽ để là hậu phương vững chắc của chồng, nếu không thì anh ấy sẽ suy sụp”, chị Lan tâm sự.
Hai vợ chồng anh chị mỗi tháng chỉ có hơn 10 triệu đồng tiền lương nên được bố mẹ cho mượn “sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng vay tiền chữa bệnh. Thế nhưng, niềm vui vỡ òa khi cấp trên thông báo họ là 2 trong 10 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn được Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm trong năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bệnh viện thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương lan tỏa”. Năm đầu tiên triển khai (2021), trong số 10 gia đình nhận hỗ trợ, đã có 6 em bé chào đời, một số gia đình đang trong những tháng cuối của thai kỳ, số còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, hiện trong toàn quân có khoảng hơn 3.000 gia đình quân nhân hiếm muộn. Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo… con trẻ chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Thấu hiểu những khát khao, mong muốn của họ, chương trình “Yêu thương lan tỏa” sau 2 năm tổ chức đã hỗ trợ cho 1.000 lượt quân nhân hiếm muộn. Nhiều gia đình đã đón con yêu thành công trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Điều này đã tiếp thêm động lực cho các cặp vợ chồng đang khắc khoải mong con cũng như vừa bắt đầu vào hành trình tìm con. Họ là minh chứng cho những nỗ lực của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong nhiều năm qua.
Gala “Hạt mầm khát vọng” diễn ra tối ngày 3.12 do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức là cuộc hội ngộ của các cặp vợ chồng quân nhân đã tìm được tiếng cười trẻ thơ, đây cũng chính là nguồn động lực cho các quân nhân khác, có thể điểm khởi đầu vô cùng gian nan, khó khăn, vất vả, tưởng chừng sẽ phải bỏ cuộc nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ từ cộng đồng, với niềm tin và sự kiên trì thì phép màu sẽ đến. Và đằng sau đó là hậu phương vững chắc, tình cảm son sắt, động viên của những người vợ, người chồng, gia đình hai bên nội ngoại cũng như anh em, bạn bè đồng chí, đồng nghiệp.
QUỲNH HOA